• Nha chu - bệnh nguy hiểm trong nha khoa

Nha chu là bệnh của các mô quanh răng. Nếu không được điều trị, bệnh tiến triển đưa đến mất răng. Bệnh nha chu tiến triển chậm, không có các dấu hiệu gì đặc biệt, không đau, hoặc ít đau nên nhiều người thường bỏ qua.

Tuy nhiên, hậu quả do bệnh nha chu gây ra lại đặc biệt nghiêm trọng, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể giảm nhẹ nguy cơ mất răng.


Nguyên nhân chính gây ra bệnh nha chu là sự tích tụ của vi khuẩn độc hại trong mảng bám hoặc thức ăn vụn còn vương lại các kẽ răng mà bạn không thể vệ sinh sạch sẽ được. Nếu không được loại bỏ sớm, các mảng bám này tiếp tục bám trên răng. Mảng bám kích thích nướu, làm nướu viêm đỏ, bở, sưng, chảy máu lúc chải răng, dùng tăm xỉa răng. Lâu dài, mảng bám trở nên cứng và được gọi là vôi răng. Vôi răng không thể được lấy đi bằng cách chải răng thông thường, mà chỉ có thể được làm sạch bởi việc điều trị nha khoa với những dụng cụ chuyên biệt. 

Bệnh nha chu thường diễn biến qua 2 giai đoạn: viêm nướu và viêm nha chu. Ở giai đoạn nướu bị viêm, nếu được điều trị kịp thời, bệnh sẽ khỏi hẳn.

Bệnh viêm nướu có khả năng hồi phục, nhưng nếu không điều trị có thể tiến triển sang viêm nha chu khi mô liên kết nướu với răng bị phá hủy. Khi đó túi mủ sẽ được tạo thành giữa răng và nướu (gọi là túi nha chu). Các vi khuẩn độc hại trong mảng bám và vôi răng tiếp tục tích tụ trong túi nha chu này làm xương nâng đỡ răng bị tiêu dẩn đến răng bị lung lay, miệng có mùi hôi khó chịu.

Có một số yếu tố làm thay đổi phản ứng của nướu đối với mảng bám hoặc vôi răng, do đó làm thay đổi sự đáp ứng của cơ thể đối với bệnh nha chu và làm bệnh nặng hơn như: hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, tình trạng căng thẳng, tật nghiến răng, thai nghén, dậy thì, chế độ ăn uống và dinh dưỡng, các rối loạn hệ miễn dịch.

Những dấu hiệu cần lưu ý:

- Chảy máu nướu khi chải răng; Nướu đỏ, sưng, tách ra khỏi răng; Hơi thở hôi dai dẳng; Có ổ mủ hoặc có mủ chảy ra ở giữa răng và nướu ở vùng cổ răng; Răng lung lay hoặc thưa ra, đặc biệt khi nhai. Khi gặp những dấu hiệu trên nên đến gặp nha sĩ. Tuy nhiên, thông thường bệnh nha chu xảy ra không rõ ràng, bởi phần lớn thời gian diễn tiến bệnh không kèm theo triệu chứng đau đặc hiệu, vì vậy việc khám răng miệng định kỳ, trong đó khám toàn diện mô nha chu, là rất cần thiết.

Nếu bạn bị viêm nha chu, thông thường có 4 loại điều trị căn bản thường được áp dụng: khẩn cấp, không phẫu thuật, phẫu thuật và duy trì. Điều trị không phẫu thuật có tỷ lệ áp dụng cao nhất, là bước điều trị đầu tiên trong bệnh nha chu, gồm 2 bước. Ở bước sơ khởi, nha sĩ sẽ đánh giá các yếu tố thuận lợi cho sự lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn và loại bỏ các yếu tố đó bằng cách:

- Chỉnh sửa hoặc thay thế tất cả những miếng trám không đúng kỹ thuật.

- Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình không đúng kỹ thuật.

- Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ (không thể giữ được).

- Cố định răng (nếu răng lung lay).

- Thực hiện phục hình tạm thời (nếu cần thiết).

- Cạo cao răng - xử lý mặt gốc răng. Lấy cao răng là một thủ thuật không nhất thiết do bác sĩ thực hiện, được chỉ định cho tất cả mọi kế hoạch điều trị nha chu. Với những trường hợp viêm nướu, nó sẽ cho kết quả rất khả quan.

Khi tự điều trị bằng kháng sinh và thấy hết đau chưa hẳn đã khỏi bệnh. Bệnh vẫn tồn tại và trở thành mạn tính, thỉnh thoảng sẽ bộc phát cơn cấp tính (tái diễn theo chu kỳ và ngày càng trầm trọng). Nếu bạn chỉ mới bị viêm nướu, tình trạng đó sẽ khiến bạn chuyển nhanh sang giai đoạn bệnh viêm nha chu. Nếu đã bị viêm nha chu thì bệnh sẽ ngày càng trầm trọng, làm răng lung lay nhiều hơn, cuối cùng là mất răng.

Để phòng bệnh nha chu, điều quan trọng nhất là đánh răng đều đặn sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ để loại bỏ mảng bám vi khuẩn trên bề mặt răng và khe nướu, đảm bảo được sức khỏe răng miệng. Định kỳ 3-6 tháng nên đến khám răng định kỳ tại các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt  và lấy sạch vôi răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được. Việc cạo vôi răng sẽ giúp: phòng ngừa được bệnh nha chu; có hàm răng sạch, bóng và đẹp; tự tin hơn trong giao tiếp hằng ngày.

Sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch các mặt bên của răng. Ăn uống cân bằng, đủ chất. Tránh ăn vặt với thức ăn dính, ngọt.
Chia sẻ: